Chương trình Montessori cho trẻ tại Thần Đồng School
Ngày nay các phương pháp giáo dục sớm đã và đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới và đang dần trở thành xu hướng giáo dục mầm non ở Việt Nam. Phương pháp Montessori không còn là cái tên xa lạ đối với nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ ở độ tuổi mầm non.
Nội dung bài viết
Đây là một trong những chương trình nổi bật đồng hành với sự phát triển của trẻ. Để hiểu rõ hơn về phương pháp giáo dục hiệu quả này, Trường mầm non Thần Đồng mời quý phụ huynh tham khảo bài viết dưới đây nhé!
Phương pháp Montessori là gì ?
Chương trình Montessori là chương trình học theo phương pháp giảng dạy trẻ nhỏ từ 2 – 6 tuổi được ứng dụng rộng rãi trên thế giới từ những năm đầu thế kỷ 20. Phương pháp Montessori được đặt theo tên của người sáng lập là một chuyên gia người Ý trong lĩnh vực triết học, nhân văn học, giáo dục học – bà Maria Montessori.
Đây là phương pháp giáo dục thúc đẩy tiềm năng của trẻ thông qua việc tạo ra một môi trường học tập thân thiện, chuyên nghiệp với những giáo cụ học tập chuyên biệt.
Tiến trình giáo dục của phương pháp Montessori được xây dựng xoay quanh các cảm giác và cảm quan của trẻ. Đặc biệt, phương pháp đề cao việc tôn trọng tính riêng biệt của mỗi đứa trẻ. Và quá trình học tập của mỗi trẻ là độc lập, trẻ tự mình phát triển không hề bị bị gián đoạn.
Cùng tìm hiểu về phương pháp Montessori
Chương trình Montessori được thiết kế dạy học tập trung vào 5 lĩnh vực: Thực hành cuộc sống; Giác quan; Ngôn ngữ; Toán học và Văn hóa.
Thực hành cuộc sống
Đây có lẽ là lĩnh vực học tập Montessori hữu ích và có chi phí “thân thiện” nhất để luyện tập tại nhà, vì hầu hết mọi thứ bạn cần đã có sẵn rồi. Thực hành cuộc sống là dạy con tương tác với môi trường xung quanh, thường được chia thành bốn mục:
- Chăm sóc bản thân – ví dụ như rửa tay, đánh răng, chuẩn bị thức ăn, và mặc quần áo
- Chăm sóc môi trường – chẳng hạn như dọn dẹp, chăm sóc cây trồng, và chăm sóc thú cưng
- Lịch sự và nhã nhặn – nghĩa là học cách cư xử và các tương tác xã hội khác, điều này bao gồm các kỹ năng như xì mũi, văn hóa bàn ăn
- Kiểm soát chuyển động – trẻ em học cách đi đứng nhẹ nhàng và di chuyển có chủ đích, cẩn thận kèm với chú ý tới môi trường xung quanh
Những bài học thực hành cuộc sống dạy cho con tính độc lập, kỹ năng phối hợp, sự tập trung, khả năng tự chủ, tự nhận thức bản thân và sự tự tin. Những kỹ năng cuộc sống hàng ngày điển hình như trên là mục tiêu học tập tuyệt vời trong Montessori tại nhà.
Giác quan
Chương trình Montessori thiết kế các hoạt động học tập và vui chơi theo sát bộ học liệu Montessori. Các bài học được triển khai trong nội dung này bao gồm:
- Bài học về xúc giác: Cách cảm nhận bề mặt (nhẵn hay ráp, gồ ghề hay bằng phẳng,..), cảm nhận chất liệu (độ mềm, mỏng, dai, giòn,..)
- Bài học thị giác: Cách phân biệt biệt hình dạng, màu sắc,..
- Bài học thính giác: Cách phân biệt các âm thanh khác nhau bằng ống tạp âm, bằng bộ chuông,…
- Bài học khứu giác: Cách phân biệt các loại mùi bằng giáo cụ ống khứu giác,…
- Bài học về vị giác: Cách phân biệt các loại vị thông qua lọ vị giác
Ngôn ngữ
Ngôn ngữ không phải là một chủ đề riêng lẻ, thay vào đó, nó bao trùm lên tất cả các lĩnh vực học tập Montessori bằng cách xây dựng vốn từ vựng, kỹ năng nghe và đọc hiểu. Các từ vựng mới được truyền đạt như một bài học có ba giai đoạn.
Montessori tin rằng xây dựng một vốn từ vựng vững chắc làm nền tảng cho các bài học trong tương lai – đọc và viết. Ở phần này, giáo cụ gồm có các thẻ chữ bằng giấy nhám và bảng chữ cái rời, bạn cũng có thể quen thuộc với bộ thẻ học ba phần thường thấy trong nhiều khu vực của lớp học Montessori.
Toán học
Toán học là khái niệm trừu tượng nhất mà bộ não phải tư duy. Những con số không thể tự định nghĩa được mình mà đều do trí tuệ của con người định nghĩa thông qua quá trình học tập và trải nghiệm. Sẽ thật tuyệt vời nếu một đứa trẻ có niềm hứng thú với Toán học ngay từ khi còn nhỏ. Một khi con đã làm quen và hứng thú với việc đếm số từ 1- 10, có thể cho con làm quen với chương trình toán học Montessori.
Các khái niệm toán học theo phương pháp Montessori sẽ được giới thiệu với trẻ thông qua các giáo cụ, trẻ thẩm thấu thông qua các bài tập từ hết sức cụ thể cho đến trừu tượng, từ đơn giản đến phức tạp. Trẻ sẽ được học về quy trình trước, sau đó mới đến các dữ kiện. Tính trật tự, kỹ năng phối hợp tai mắt và quan trọng nhất là tính độc lập trẻ đạt được khi trải nghiệm với các giáo cụ là đích đến.
Văn hóa
Các hoạt động văn hoá dẫn dắt đứa trẻ trải nghiệm về âm nhạc, những câu chuyện kể, tác phẩm nghệ thuật và đồ vật từ cộng đồng, phông nền xã hội và nền văn hoá của trẻ. Các lĩnh vực địa lý, khoa học, động vật học và thực vật học đều nằm trong khu vực này. Quả địa cầu, các bản đồ, câu đố và các thư mục có chứa hình ảnh từ các quốc gia khác nhau đều giúp cho trẻ hiểu sâu hơn về các nền văn hoá khác nhau.
Khu vực văn hoá khuyến khích trẻ phát triển năng lực sáng tạo và phát triển các kỹ năng vận động tốt. Bởi học tập để tự do thể hiện mình. Thông qua các hoạt động văn hoá, trẻ em phát triển nhận thức và đánh giá cao thế giới xung quanh.
Phương pháp Montessori
Trong môi trường Montessori của sự tự do lựa chọn, trẻ luôn vui vẻ, hạnh phúc và phát huy tối đa các tiềm lực của bản thân, từ đó khơi dậy ham muốn mãnh liệt trong việc tự khám phá. Trẻ không chỉ có được tri thức, trí tuệ, sự cân bằng cảm xúc thông qua việc học trải nghiệm mà còn thiết lập được sự nhạy cảm, nhận thức về bản thân và kết nối sâu sắc với vạn vật xung quanh.
Montessori là một trong những phương pháp giảng dạy nằm trong chương trình học lứa tuổi mầm non, áp dụng trên toàn hệ thống của Thần Đồng School.
Thịnh Vũ