Góc Phụ Huynh

Hãy tập cho con biết yêu sách!

Một em bé cầm sách chăm chú đọc bao giờ cũng là hình ảnh có vẻ khiến bố mẹ của bé tự hào. Nhưng làm sao để con có tình yêu với sách lại là câu hỏi của rất nhiều người.  

Người hay đọc sách gần như ngay lập tức được cảm nhận với những tính cách tích cực như chăm chỉ, ham học hỏi và (chắc là) sẽ uyên bác lắm đây.

Làm thế nào để tạo thói quen đọc sách cho trẻ?

Làm thế nào để tạo thói quen đọc sách cho trẻ
Làm thế nào để tạo thói quen đọc sách cho trẻ

Nhưng trong khi bố mẹ cảm thấy hình ảnh con gắn liền với quyển sách đáng mơ ước bao nhiêu thì tỷ lệ trẻ em chủ động chọn sách thay các phương thức giải trí và học hỏi khác lại có vẻ càng ngày càng thấp đi bấy nhiêu. Và bố mẹ lại đau đáu với câu hỏi muôn thuở “Tại sao con không đọc sách?”, “Làm thế nào để con có kỹ năng đọc sách?”.

Xem sách như một hạng mục đồ chơi không thể thiếu

Câu trả lời thật ra nằm ngay trong sự ngưỡng mộ của chúng ta với hình ảnh đáng mơ ước “ai đó đang ngồi đọc sách” – sự ngưỡng mộ không nằm ở việc người đó đang đọc sách, chúng ta ngưỡng mộ việc sách được chủ động chọn lựa dù có những điều hấp dẫn khác xung quanh.

Chúng ta ngưỡng mộ sự tự nguyện cầm sách theo và đọc, ngưỡng mộ niềm hạnh phúc “đầy tri thức và sự yên bình” mà người đọc sách đang có. Và như thế, câu trả lời cho việc làm sao để con đọc sách hiện ra ngay ở sự chủ động, sự tự nguyện – điều chỉ có được khi trong trái tim thật sự có tình yêu, tình yêu với những quyển sách.

thói quen đọc sách được rèn luyện khi còn bé
Đọc sách như một trò chơi không thể thiếu đối với con trẻ

Để yêu, trước tiên cần phải biết đến sự tồn tại của sách. Những năm đầu đời của con, nếu con chỉ biết đến đồ chơi, biết búp bê, biết đất nặn, lego mà không được làm quen với những quyển sách thì thật khó để khi lớn lên con cảm thấy sự hiện diện của sách là cần thiết. Hãy xem sách như một hạng mục đồ chơi không thể thiếu khi “hoạch định” các loại đồ chơi cho con. Tình yêu chỉ có thể lớn dần lên mỗi ngày khi chúng ta được tạo điều kiện để tìm hiểu đối tượng.

Ông bà vẫn thường dạy “nhất cự li, nhì tốc độ”, nếu ở trong nhà có riêng một giá sách đầy những quyển sách hấp dẫn, nếu bất kỳ nơi nào trong nhà cũng có những góc thuận tiện để đặt sách (bàn học, tủ đầu giường…), nếu cứ mỗi cuối tuần cả nhà lại hào hứng cùng nhau lang thang trong nhà sách… nếu sách lúc nào cũng “trước tầm nhìn, trong tầm với” thì việc sách “lọt vào tầm ngắm” của con không sớm thì muộn cũng sẽ đến thôi. Tình yêu, sẽ bền vững khi được xây dựng trên nền tảng của sự thân thuộc.

cùng con đọc sách cùng con lớn khôn
Cùng con đọc sách cùng con lớn khôn

Bố mẹ nhớ cùng con tạo thói quen đọc sách: những buổi chiều mát con ngồi võng ngoài sân đọc truyện thư giãn hay những buổi tối yên bình đọc sách trước giờ đi ngủ nếu được lặp đi lặp lại, con sẽ cảm thấy thân thuộc và hiển nhiên như những bữa cơm mỗi ngày con thưởng thức.

Tình yêu chắc chắn gắn liền với những xúc cảm tích cực. Điều con yêu là cảm xúc ấm áp khi ngồi trong lòng bố mẹ đọc sách, là sự trìu mến trong vòng tay của mẹ, là sự sôi nổi trong tiếng đọc của bố. Tình yêu ấy trong con gắn liền với sách, con yêu những giây phút đọc sách cùng bố mẹ rồi con yêu những quyển sách lúc nào không hay.

Bạn đã bao giờ thấy ai xé tiền chưa?

Tình yêu sẽ được thể hiện rõ ràng nhất khi con biết trân trọng thứ mình yêu. Có một câu chuyện nhỏ rất thú vị, có một vị diễn giả, một hôm nhận được câu hỏi “làm sao để con tôi không xé sách?”. Vị diễn giả trả lời:

Bạn đã bao giờ thấy ai xé tiền chưa? Tại sao tiền cũng là giấy mà ngay cả trẻ em cũng hiếm có đứa trẻ nào xé tiền? Đơn giản vì các bé luôn thấy tiền được nâng niu, cất cẩn thận trong ví, giữ từng đồng trong ống heo…

Sách cũng vậy, nếu ngay từ những ngày đầu tiên, sách đã được con nhìn thấy bố mẹ cất một cách trân trọng, lật giở từng trang sách nhẹ nhàng, kể với con về sách với ánh mắt lấp lánh niềm vui thì con tự nhiên cũng sẽ đối xử với sách một cách trìu mến nhất, yêu thương nhất. Để yêu tự nguyện, nhất định phải được chọn lựa người mình yêu, các quyển sách dù kinh điển đến đâu, nhiều người yêu thích đến đâu cũng chưa chắc con cảm thấy phù hợp.

Nếu bố mẹ rất muốn con đọc một quyển sách nào đó thì thay vì ép buộc, có thể tiếp cận theo hướng chia sẻ thông tin và cảm xúc. Ví dụ như có thể nói với con “Quyển sách này từng là kỷ niệm ấu thơ của mẹ, hồi đó đọc, mẹ cứ ước mơ sau này sẽ được làm nhà thám hiểm như vậy” hay “Cuốn sách này mới xuất bản năm kia, mẹ có tò mò đọc thử và thấy thú vị ở điểm này, điểm kia… hay con đọc thử xem có cảm thấy giống mẹ không”. Hơn ai hết, con là người luôn muốn được gần gũi và làm bạn với bố mẹ, chắc chắn con sẽ sẵn lòng xem thử thôi.

Đừng chê bai những tình cảm khác của con

Tình yêu luôn cần sự bao dung và vị tha. Dù có hơi thiên vị những cuốn sách, bố mẹ cũng cố gắng đừng chê bai những tình cảm khác của con, thay vào đó, mình có thể tìm cách hòa hợp hay tận dụng chúng để hỗ trợ cho nhau.

Ví dụ, đối với con, việc tìm thông tin trên mạng quá dễ dàng, việc xem YouTube quá vui, sao cứ phải đọc sách? Bố mẹ thử tìm phiên bản truyện xinh đẹp của bộ phim hoạt hình con yêu hay mỗi khi đọc sách có điều gì muốn tìm thêm thông tin thì kết hợp với tìm kiếm trên mạng chẳng hạn. Và trên hết, tình yêu, trong sâu thẳm chắc chắn đã có hình mẫu con ngưỡng mộ.

Từ nhỏ con vẫn luôn bắt gặp hình ảnh bố làm việc với chồng sách nghiên cứu để kế bên, hình ảnh mẹ say mê đọc không dứt một cuốn tiểu thuyết hay cách bà ngồi đọc sách bên tách trà đang nhâm nhi… Trẻ con vốn thích bắt chước, những người con yêu quý nhất luôn yêu quý sách, thì con, chắc chắn cũng sẽ dành cho sách tình yêu nồng nàn nhất.

Vậy nên, bạn hãy để con luôn tự nguyện yêu quý những cuốn sách, bố mẹ hãy dành thời gian cho sách, tạo nhiều cơ hội để chính bản thân mình cũng yêu thương và thân thiết với sách, bố mẹ nhé! Và rồi tình yêu của con với sách cũng sẽ được ươm mầm và sớm nở hoa.

Theo Báo điện tử Thanh Niên

TIN tức LIÊN QUAN

Tin Thần Đồng

Lộ diện các thí sinh xuất sắc vào vòng chung kết “Tài năng nhí Thần Đồng School”

Tin Thần Đồng

Cuộc thi “Tài năng nhí” thuộc hệ thống trường Thần Đồng

Tin Thần Đồng

Thần Đồng Lộc Ninh tuyển sinh năm học 2023 – 2024